3.8.07

Cương Quyết Ra Đi



K8 mến tặng các anh K3 (chúng em còn nhớ hồi ở Trung Quốc, các anh K3 có xuống K8 giúp chúng em làm vệ sinh cá nhân...vì chúng em còn nhỏ quá)

Sáng tác: Nguyễn Ngọc Bạch
Thể hiện: Nguyễn Thụy Đông Đào

Cờ Việt Nam bao năm nhuộm máu hùng anh.
Phất phới hiên ngang hồn ai mờ trong xương máu.
Người Việt Nam chen vai chiến đấu ngàn năm.
Ŀánh dấu vinh quang lịch sử những trang huy hoàng.

Đất nước hỡi ! Reo lên đi !
Ta ra đi mùa thu xưa xa vắng.
Gió hỡi gió ! Ngân lên đi !
Vung gươm thiêng ta cắt đứt đường tơ vương.

Và từ đây cao tiếng hát hành quân.
Trời âm u tiếng vọng nơi trường sa.
Xung phong lên ! xung phong tiêu diệt quân thù..

Đất nước hỡi ! Reo lên đi !
Ta vui ca mài thanh gươm chính khí.
Gió hỡi gió ! Ngân lên đi !
Vung gươm thiêng ta lấy máu đền nợ trai

.--------------------------------------------------------------------

Nguyễn Ngọc Bạch (1922 – 1985)

Quê quán: Chợ Mới – An Giang

Đạo diễn sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú

Một đời với sân khấu cải lương


NSND Tám Danh (1901-1976)

Một đời với sân khấu cải lương

Năm 2004 - 2006, Sở Văn hóa Thông tin – Bảo tàng Cần Thơ thực hiện đề tài nghiên cứu 5 văn nghệ sĩ Cần Thơ (đã qua đời), có nhiều cống hiến cho sân khấu cải lương – trong đó, có đoạn kết luận về cuộc đời, sự nghiệp của NSND Tám Danh: “Ông đã thể hiện đúng nhân cách, khí chất của một người đảng viên cộng sản; một nghệ sĩ lớn cả đời vì nước vì dân, vì sự nghiệp sân khấu cải lương. Những gì ông để lại, đã trở thành tài sản nghệ thuật vô giá; những bài học kinh nghiệm để đời cho các thế hệ nghệ sĩ sau này noi gương”.

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Tám Danh tên thật là Nguyễn Phương Danh, sinh năm 1901 tại làng Nhơn Nghĩa, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ). Cũng vào năm sinh của ông, người Pháp đào kinh xáng Xà No nối 2 tỉnh Cần Thơ - Rạch Giá.

Gia đình cha, mẹ ông sinh sống trên một mảnh vườn bên kia Vàm Xáng. Tám Danh có tất cả 9 anh, chị, em. Mới 9 tuổi, ông đã biết đờn ca, có chân trong ban nhạc lễ của xã. Giai đoạn này ông tham gia Ban tài tử Ái Nghĩa, một ban đờn ca nổi tiếng ở Nam kỳ lục tỉnh. Sau đó, ông thụ giáo các đường siêu đao, côn kiếm của bà Bóng Sen ở Cái Răng trong nhiều năm; được nghệ sĩ - võ sư Tám Bằng (Bạc Liêu) truyền dạy quyền cước cơ bản. Năm 12 tuổi, Tám Danh theo hát bội, nhưng cha ông không bằng lòng nên bắt về. Từ năm 14 tuổi, ông lại bỏ nhà lập nghiệp, bắt đầu đi hát các bài bản tài tử chúc tết, đi đờn ca cho các nhà hàng khách sạn từ Cần Thơ đến Mỹ Tho trong các cuộc vui, đám tiệc. Năm 15 tuổi, khi gánh xiệc có ca ra bộ của Thầy Thận (Sa Đéc) ra đời, ông là một trong những người đầu tiên hát trên sân khấu này. Sau đó, chuyển sang hát cho gánh Thầy Năm Tú (Mỹ Tho) cũng là một gánh hát nâng hình thức ca ra bộ tiến lên thành “hát chặp”. Ông thủ diễn một số vai trong các tiết mục, do ông Trương Duy Toản sáng tác.

Khi gánh hát kim thời Đồng Bào Nam thành lập (1918), dàn dựng tuồng tích hẳn hoi với các đào, kép nổi tiếng: kép Hai Giỏi và cô đào Năm Phỉ, Tám Danh được gia đình chính thức cho đi theo gánh hát này, lúc đó ông được 16 tuổi.

Do có sở trường biết võ nghệ và đờn ca tài tử, cũng từng lên sân khấu hát chặp nên thỉnh thoảng ông cũng được vào các vai phụ. Thế rồi, một buổi tối, kép chính Hai Giỏi tự nhiên vắng mặt, bà bầu gánh Tư Sự cho Tám Danh ra sân khấu thay vai Hai Giỏi. Đêm đó là khúc quanh cuộc đời Tám Danh, ông chính thức trở thành kép hát trên sân khấu Đồng Bào Nam, một gánh hát cải lương chuyên nghiệp hoàn chỉnh đầu tiên của Nam kỳ lục tỉnh.

NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐI THEO CÁCH MẠNG

Khi đứng trên sân khấu Đồng Bào Nam, tài năng của nghệ sĩ Tám Danh ngày càng bộc lộ. Tiếng tăm kép Tám Danh vang xa. Ông bầu Nguyễn Ngọc Cương (là thân phụ NSƯT Kim Cương) mời về gánh Phước Cương là gánh lớn, qui tụ đào, kép lừng danh như: Năm Phỉ, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Ba Du. Soạn giả thường trực của gánh là Đặng Công Danh (Mười Giảng). Trên sân khấu Phước Cương, kép Tám Danh nổi tiếng với các vai để đời: Vương Tư Đồ (tuồng Phụng Nghi Đình), Bao Công (tuồng Xử Án Bàng Quí Phi), Tề Thiên Đại Thánh (tuồng Mẫu Đơn Tiên). Ngoài ra, ông còn đóng các vai trong tuồng xã hội như: Hà Công Yên (tuồng Tứ đổ tường), Phán Nhân (Số độc đắc). Thời gian ở gánh Phước Cương, Tám Danh kết hôn với bà Nguyễn Thị Huệ, cũng là một đào hát chuyên nghề múa. Hai người sinh được người con gái đầu lòng là Nguyễn Thị B. Thời gian sau, sinh thêm người con trai, đặt tên Nguyễn Văn A.

Năm 1931, gánh Phước Cương được mời sang Pháp lưu diễn tại Hội chợ đấu xảo Paris, làm rạng danh nghệ thuật cải lương, nhất là tuồng hát Tứ đổ tường, kép Tám Danh thủ vai anh chồng ghiền Hà Công Yên. Ông diễn xuất thần, như một lối tố cáo sự xấu xa của chế độ thuộc địa, làm các quan chức “mẫu quốc Pháp” bất bình. Ngoài ra, ông cùng nghệ sĩ Bảy Nhiêu, Năm Phỉ diễn các trích đoạn tuồng Phụng Nghi Đình, Xử án Bàng Quí Phi… nổi tiếng, nên gánh được Hoàng hậu Hòa Lan sai cận thần rước sang hát tại Hoàng cung 15 đêm. Kế tiếp, hát ở các nhà hát ngoại thành Paris suốt 3 tháng. Tính ra, các nghệ sĩ mỗi tháng thu nhập cả chục ngàn đồng “quan” Pháp, thời gian lưu diễn gần một năm tròn (1931).

Sau đợt đi Pháp về nước, gánh Phước Cương thẳng đường ra Bắc, hát từ Hà Nội trở vô Sài Gòn. Tám Danh trở thành một trong những nghệ sĩ vừa nổi danh, vừa giàu sang nhứt nhì trong giới cải lương, sắm xe du lịch Renault đi hát.

Năm 1933, Tám Danh và Bảy Nhiêu cùng một số anh chị em nghệ sĩ lập gánh Tiếng Chung, thống nhất xây dựng gánh thành một tập thể cùng làm, cùng hưởng. Gánh Tiếng Chung bị rã. Tám Danh lại hợp cùng ông Hai Nhân ở Châu Đốc và cô đào nổi tiếng Hai Đàng, lập gánh Danh Đàn nhưng cũng không thành công.

Cuối năm 1936, trong tâm trạng chán chường sau những thất bại trên đường đi hát, Tám Danh chuyển sang làm cho hãng dĩa hát Asia, do ông Ngô Công Mạnh (cũng là bạn thân Tám Danh) làm giám đốc. Sau đó, hợp tác với ông Nguyễn Văn Đinh lập hãng phim Asia Films, làm bộ phim Trọn với tình (tức Kiếp hoa).

Khi thế chiến thứ hai bùng nổ (1939), sân khấu cải lương cũng bị “vạ lây”, nhiều gánh tan rã. Sau Nam kỳ khởi nghĩa, phong trào yêu nước chống thực dân Pháp do Đảng ta lãnh đạo ngày càng phát triển, Tám Danh được đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn (một cán bộ của Xứ ủy Nam kỳ) móc nối, giác ngộ cách mạng. Lúc này, ông đang theo gánh “Quốc gia kịch đoàn”, vừa làm kép, vừa làm thầy tuồng nên đã dàn dựng các vở đề cao tinh thần yêu nước, chống thực dân. Năm 1944, khi đoàn đang diễn tại bến Mỹ Tho, chính quyền Pháp đến bao vây, lùng bắt nghệ sĩ Tám Danh. Thoát được, ông dẫn con trốn về quê nhà Cần Thơ. Sau đó, cùng bà con đứng lên cướp chính quyền tại khu vực Nhơn Nghĩa – Mỹ Khánh, rồi tham gia kháng chiến.

Năm 1946, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Mỹ Khánh. Đầu năm 1949, Tám Danh chuyển sang quân đội được rút lên Đội biệt động số 8. Từ năm 1951 lại chuyển về Phòng Chính trị Khu 8, công tác chung với nhiều anh chị em văn nghệ sĩ nổi tiếng từ thành ra chiến khu như nhà thơ Nguyễn Bính, nhà thơ Bảo Định Giang, nhạc sĩ Hoàng Việt, ca sĩ Quốc Hương, nghệ sĩ Ba Du,v.v… Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuối năm 1952, ông được biệt phái về miền Tây (khu 9) cùng Nguyễn Ngọc Bạch sáng lập và lãnh đạo Đoàn Văn nghệ Cửu Long, trực thuộc Chi hội Văn nghệ Nam bộ. Khi Hiệp định Genève ký kết, ông tập kết ra miền Bắc.

XÂY DỰNG NỀN SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG CÁCH MẠNG TẠI MIỀN BẮC

Những năm đầu tập kết ra Bắc, Tám Danh giữ nhiệm vụ Đội phó Đội cải lương Nam bộ, đồng chí Nguyễn Ngọc Bạch làm Đội trưởng. Sau đó, Bộ Văn hóa thành lập Ban nghiên cứu cải lương, do nhà viết kịch - nhà thơ Thế Lữ làm Trưởng ban, cùng các nghệ sĩ Tám Danh, Ba Du, Triệu An, Ngọc Thới, Đắc Nhẩn, Ngô Văn Du, Hoàng Tuyển, Thanh Tuyền, Chi Lăng, Ngọc Cung, Phạm Ngọc Truyền… Đội cải lương Nam bộ sau này nâng lên “Đoàn” là nơi thể nghiệm, sáng tạo nhiều hình thức mới, đặc biệt Tám Danh mạnh dạn đưa vũ đạo vào sân khấu cải lương. Những lần hội diễn sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại (năm 1958-1962) ông tham gia chủ trì, dàn dựng thể nghiệm các vở: Người con gái Đất Đỏ, Máu thắm đồng Nọc Nạn (đều của Phạm Ngọc Truyền) đều đạt huy chương vàng. Ngoài ra, còn giúp dàn dựng các đoàn cải lương: Kim Phụng, Chuông Vàng (Hà Nội), Hoa Mai (Hà Tây), Hòn Gai (Quảng Ninh) đoàn cải lương Hải Phòng, đoàn cải lương Liên khu 4… Ghi nhận về những đóng góp này, sách Kiến thức sân khấu phổ thông – Viện Sân khấu xuất bản năm 1987, đánh giá: “Tám Danh là cánh chim đầu đàn của sân khấu cải lương; người đã xây dựng nền móng cho nghệ thuật cải lương cách mạng, người thầy đào tạo nên những diễn viên xuất sắc…”.

Năm 1959, Bộ Văn hóa chính thức thành lập Trường Nghệ thuật Ca Kịch Dân tộc (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Tám Danh được chuyển về trường, lúc này tuổi ông cũng khá cao (gần 60) nhưng vẫn nỗ lực dốc hết tâm huyết truyền nghề. Ông tổng kết kinh nghiệm cả cuộc đời đi hát kết hợp với tự học, nghiên cứu nghệ thuật hí kịch Trung Quốc rồi đúc kết, sắp xếp các phương pháp ca múa, sáng tạo, biên soạn một công trình để đời: Giáo trình hệ thống vũ đạo cải lương, sử dụng giảng dạy nhiều thế hệ học trò, sau này thành danh như các nghệ sĩ ưu tú: Thu Vân, Công Thành, Tấn Đạt, Thanh Vy, Hà Quang Văn, Ca Lê Hồng,v.v…

Năm 1960, nghệ sĩ Tám Danh được bầu vào Quốc hội khóa II (đơn vị Quảng Bình). Sau đó, tiếp tục được bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Khi miền Nam giải phóng (1975) ông cùng với Đoàn Cải lương Nam bộ trở về Sài Gòn, những mong tìm lại các nghệ sĩ bè bạn cũ là Năm Châu, Bảy Nhiêu, Phùng Há… xây dựng những vở diễn cải lương tiêu biểu để phục vụ khán giả. Nhưng rồi, trong một cơn bạo bệnh Tám Danh qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 9-3-1976, ông được an táng tại Nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp - thành phố Hồ chí Minh.

Do những cống hiến và thành tích xuất sắc trong 66 năm hoạt động nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ Tám Danh được Đảng, Nhà nước ta khen thưởng nhiều Huân chương cao quý: Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến hạng II, Huân chương Lao động hạng II và hạng III. Năm 1984, ông được truy phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân khóa đầu tiên.

Tháng 6 năm 1994 Trường Nghệ thuật Sân khấu TPHCM tổ chức buổi tọa đàm về thân thế, sự nghiệp của NSND Tám Danh, khẳng định ông là một nghệ sĩ lớn, người thầy lớn của nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương.

Năm 2004, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình sân khấu nêu chủ đề, khẳng định: “NSND Tám Danh - Một cây đại thụ của sân khấu cải lương” trong chuyên mục “Những cánh chim không mỏi”.

NHÂM HÙNG – Theo Báo Cần Thơ

SÁCH MỚI
"Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu"


Sáng 21.08, buổi lễ ra mắt tựa sách “Nguyễn Ngọc Bạch - một đời sân khấu” đã chính thức diễn ra tại sân khấu quay trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh - 125 Cống Quỳnh, quận 3, TP.HCM. Xen kẽ là chương trình Những cánh chim không mỏi: “Đạo diễn - nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch - người của mùa thu ấy” do HTV tổ chức.

Tuy được hoàn thành gần 20 năm sau ngày ông mất (1985) nhưng “Nguyễn Ngọc Bạch - một đời sân khấu” đã ghi lại đầy đủ những hoạt động của ông trong lĩnh vực sân khấu, đồng thời nêu rõ sự phát triển của đoàn cải lương, đoàn kịch nói Nam Bộ nồng cốt lúc bấy giờ. Bên cạnh đó là một loạt bài viết của đồng nghiệp, của bạn ông, hồi ức về một thời oanh liệt xa xưa để tưởng nhớ về một con người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật.

Kỷ niệm 40 năm ngày cưới (07.1985)

Đến tham dự buổi lễ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng phát biểu: “Tôi có cảm giác anh vừa đi lưu diễn vừa viết, viết với tâm hồn nghệ sĩ, viết miệt mài của một nhà giáo. Thời chiến, thời bình, cả ba miền đất nước, lúc nào ở đâu, anh có mặt và hai cánh màn sân khấu mở ra, đều được ghi chép trên trang viết của anh, rất sinh động - Đọc của anh tôi biết thêm nhiều nơi, nhiều điều dù đã đi qua nhưng rất mới lạ. Tôi nghĩ những người trong cuộc nên đọc sách này để nhớ lại, những người ngoài cuộc đọc để hiểu biết thêm và nhớ đến ngòi bút của một nghệ sĩ”.

Chị Nguyễn Thị Hậu - con gái nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bạch tâm sự: “Cuốn sách này được ra đời còn là nhờ sự giúp đỡ của gia đình cô chú Lê Giang - Lê Nhất Vũ. Với từng gói, từng gói tài liệu, tôi cộ lên tận lầu 6, cô chú đã đọc, đã biên soạn giúp tôi hình thành nên cuốn sách đúng với những gì Ba tôi để lại. Đặc biệt, cô chú đã tìm những người bạn cũ thời kháng chiến cùng nhớ và hát để ghi lại những ca khúc do Ba tôi sáng tác nhưng đã bị thất lạc. Những vòng hồi ức vô cùng cảm động của bạn bè, đồng nghiệp của Ba tôi giúp tôi hiểu thêm về ông và những gì ông đóng góp cho sân khấu Nam Bộ. Đối với chúng tôi, có lẽ không có gì quý giá hơn điều đó. Tôi chắc rằng, qua cuốn sách này Ba tôi muốn cống hiến những gì tâm huyết nhất của đời ông cho sự nghiệp giữ gìn và phát triển sân khấu Nam Bộ, không chỉ vì những giá trị quý báu của nó mà còn vì mảnh đất và con người Nam Bộ chính là cái nôi nuôi dưỡng cho con người nghệ sĩ - chiến sĩ trong ông”.

GIÁP NGUYỄN - TÚ CHI




Cùng quây quần bên di ảnh NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch - Ảnh tư liệu
Nằm trong loạt chương trình tưởng niệm những nghệ sĩ - chiến sĩ, những cánh chim đầu đàn của sân khấu cách mạng VN đã khuất như đạo diễn Ngô Y Linh, đạo diễn Bích Lâm..., chương trình “Những cánh chim không mỏi” của HTV tháng chín này được dành để nhớ một đạo diễn - nhà quản lý tài tình: NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch (phát trên HTV9 ngày 11-9-2004).

Là một trí thức miền Nam sinh tại Chợ Mới, An Giang, từ tháng 8-1945 tham gia cách mạng - nổi tiếng với bài hát Cương quyết ra đi ông sáng tác sau sự kiện này, cuộc đời Nguyễn Ngọc Bạch gắn liền với kháng chiến, với những hoạt động nghệ thuật, nhất là sau năm 1954.

Tập kết ra Bắc và được đào tạo chính qui bậc đại học ngành đạo diễn, ông gắn bó với sân khấu, từng viết kịch bản, viết nhạc và dàn dựng một số vở diễn nổi tiếng: Máu thắm đồng Nọc Nạn, Người con gái Đất Đỏ, Dệt gấm, Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940...

NSƯT Thanh Tòng nhớ lại sau 1975, các ngành nghệ thuật đều trải qua giai đoạn lao đao chờ được ổn định, riêng cải lương tuồng cổ, hồ quảng của gia tộc Minh Tơ khốn đốn nhất vì không được phép biểu diễn.

Với cương vị là người lãnh đạo ngành văn hóa - phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM lúc bấy giờ, chính Nguyễn Ngọc Bạch đã góp phần đề nghị để nhánh cải lương tuồng cổ được phép biểu diễn trở lại với một sinh khí, hướng đi mới hơn. Đ

ể ghi nhớ ngày nghề nghiệp mình được Nguyễn Ngọc Bạch khai sinh lần nữa, NSƯT Thanh Tòng đã chọn ngày 1-9-1975 là ngày kỷ niệm cải lương tuồng cổ ra đời để cảm cái ơn lớn này.

Còn rất nhiều câu chuyện như thế khi nhớ về ông, để thấy rằng trong một thời điểm quá mới - sau giải phóng - mọi việc còn ngổn ngang thì người làm sân khấu và phong trào sân khấu TP đã may mắn gặp được một vị lãnh đạo trực tiếp như Nguyễn Ngọc Bạch. Cách đối nhân xử thế chân tình, hiểu biết của ông đã thật sự thu phục nhân tâm, khiến họ tin tưởng vào sự tốt đẹp của chế độ mới hầu bắt tay cộng tác với tất cả tài năng, nhiệt tình.

H.H.

1 comment:

Hào khí ĐÔNG A said...

Cảm ơn bạn. Bài này tui biết lâu rùi mà chưa tìm được.